Sôi động xuất khẩu hạt điều – Cty XNK hạt điều THÀNH ĐẠT FOOD

Sôi động xuất khẩu hạt điều – Cty XNK hạt điều THÀNH ĐẠT FOOD

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 9/2023 ước đạt 60 nghìn tấn, trị giá 328 triệu USD, giảm 1,0% về lượng và giảm 1,6% về trị giá so với tháng 8/2023, nhưng so với tháng 9/2022 tăng 56% về lượng và tăng 39,6% về trị giá.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều của nước ta ước đạt 456 nghìn tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Xuất nhập khẩu nhận định, theo yếu tố chu kỳ, hoạt động xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ diễn ra sôi động trong các tháng cuối năm.

Xuất khẩu điều từng lập kỷ lục về giá trị vào năm 2021, với 3,63 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng, giảm 15,1% về giá trị so với năm 2021. Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu.

Dự báo quý III và quý IV/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ nhích lên nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng phục vụ tiêu dùng các dịp lễ cuối năm. Với kết quả xuất khẩu tăng trưởng cao, gần như chắc chắn xuất khẩu điều cả năm sẽ vượt mục tiêu 3,1 tỷ USD đề ra từ đầu năm, dự báo có thể đạt 3,3 tỷ USD, tuy vẫn chưa thể lấy lại mốc kỷ lục.

Năm 2023, Hiệp hội Điều việt Nam (Vinacas) đặt mục tiêu xuất khẩu hạt điều đạt 3,1 tỷ USD, tăng 20 triệu USD so với năm 2022. Với những kết quả đạt được cùng những triển vọng từ thị trường, dự báo mục tiêu đặt ra sẽ hoàn thành. Mặc dù vậy theo Vinacas, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, hiện ngành điều vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều chưa chủ động được nguồn nguyên liệu; nguồn cung hạt điều thô mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến của tỉnh, trong khi 70% nguyên liệu hạt điều thô phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Indonesia, Campuchia, châu Phi. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất-chế biến-kinh doanh chưa chặt chẽ; nhiều cơ sở chế biến điều ở quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế.

Để thúc ngành điều phát triển, ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp ngành điều cần phải chuyển mạnh sang chế biến sâu với những sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu khác nhau của “người tiêu dùng cuối cùng”.

Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến điều cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, để có nguồn nguyên liệu chưa ổn định. Qua đó, giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh cho điều chế biến xuất khẩu của nước ta.

Khanh Lê
Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết